Nội dung
Trong một hội thảo của ActionCOACH, một chủ salon tóc gặp Brad Sugars chia sẻ cô ấy rất bận rộn mà công việc kinh doanh mang lại lợi nhuận chẳng là bao. Sau khi trừ chi phí, lương nhân viên, thu nhập của cô thậm chí không hơn nhân viên.
Brad hỏi: “thế ở tiệm cắt tóc thì cô làm gì”?
Cô ấy trả lời “tôi cắt tóc”
Brad hỏi lại “thế cô cũng cắt tóc như nhân viên, vậy tại sao cô lại mong đợi thu nhập hơn nhân viên?”
Câu hỏi khá đau, nhưng thực tế thì rất nhiều Chủ doanh nghiệp đang làm công việc như là một người đi làm thuê cho chính doanh nghiệp của mình.
“Nhân viên, Tự doanh thì kiếm tiền,
Quản lý thì tạo tiền,
Chủ doanh nghiệp thì nhận tiền”
Vậy hành trình trở thành doanh nhân qua những nấc thang nào? soi vào đó thì biết mình đang ở đâu? quan điểm về tiền, những điều phải học tại nấc thang đó là gì? Sẽ được chia sẻ dưới đây.
5 nấc thang doanh nhân
5 nấc thang doanh nhân được thiết kế để bạn nhìn nhận lại chính mình, những gì đã đưa bạn đến vị trí hiện tại, sau đó tư duy làm thế nào để từ vị trí hiện tại đến vị trí bạn mong muốn.
Hãy nhớ rằng, không phải những kiến thức về kinh doanh sẽ giúp bạn tạo ra thành công to lớn, mà là sự nhận thức rõ ràng về vị trí của bạn trong nấc thang doanh nhân, cùng với những điều đơn giản mà bạn học được sau đây sẽ giúp bạn có kết quả nhảy vọt.
Cấp độ 0 Người đi làm thuê
Niềm tin của người đi làm thuê
Những người đi làm thuê có hệ niềm tin riêng
Niềm tin thứ 1, là khả năng sử dụng tiền tệ hại với niềm tin rằng nhiều “đồ đạc” quan trọng hơn sự giàu có. Khi dành toàn bộ cuộc sống của mình chỉ để mua sắm đồ đạc, bạn sẽ kết thúc cuộc đời với chỉ toàn đồ đạc.
Bạn cần biết điều này: trong thứ tự ưu tiên của cuộc đời, con người nên là ưu tiên số 1, sau đó là tiền bạc và sự giàu có số 2, còn những thứ như đồ đạc ở vị trí số 3 rất xa (người, tiền, hàng).
Niềm tin thứ 2, một khía cạnh mà chúng ta cần xem xét ở “Cấp độ 0”: phần lớn người đi làm thuê tư duy “mức lương” đại điện cho sự giàu có.
Thu nhập và sự giàu có thật sự là hai phạm trù hoàn toàn khác biệt, và trong hầu hết các trường hợp, chúng chẳng liên quan gì với nhau.
Có những nhân viên thu nhập 2,4 tỷ/năm vẫn nghèo vì chi gần hết cho hàng hiệu và đồ xa xỉ. Có những nhân viên mới đi làm không có tiền, phải vay tiền mua xe máy, nhưng sau vài năm có được tài sản hàng chục tỷ đồng nhờ đầu tư.
Cách bạn sử dụng thu nhập quyết định sự giàu có của bạn, chứ không phải thu nhập.
Niềm tin thứ 3 “Nếu tôi thông minh hơn, giỏi hơn hoặc có kinh nghiệm hơn, tôi sẽ có cơ hội lớn hơn để trở nên giàu có”.
Bao nhiêu giáo sư thông minh nghèo, và bao nhiêu chủ doanh nghiệp không học đại học vẫn giàu có?
Niềm tin thứ 4: “đi làm thuê thì an toàn, ổn định và đỡ mệt đầu”, nỗi sợ hãi về sự không an toàn,
Niềm tin thứ 5: “tôi không có đủ kiến thức kinh doanh” ngăn cản nhân viên tiến lên.
Nhảy từ Cấp độ 0 vào thế giới kinh doanh đòi hỏi một sự thay đổi nền tảng trong tư duy. Nó đòi hỏi một sự thay đổi từ quá trình SUY NGHĨ VỚI NỖI SỢ HÃI sang một quá trình SUY NGHĨ VỚI NIỀM TIN
Nhân viên thì kiếm tiền, tức là đổi thời gian, công sức lấy tiền. Và để có rất nhiều tiền, bạn cần làm lụng rất chăm chỉ, có nghĩa là bỏ ra rất rất nhiều thời gian, rất rất nhiều công sức để kiếm nhiều tiền.
Lý do làm nhân viên
Làm nhân viên có ý nghĩa gì trên hành trình doanh nhân?
- Lý do đầu tiên là làm nhân viên để có KHOẢN TÍCH LŨY (tích lũy tư bản)
- Lý do thứ 2 là XÂY DỰNG KIẾN THỨC, vừa làm vừa quan sát, học hỏi nhiều nhất có thể.
Để phát triển đi lên từ nhân viên, rất cần sự can đảm dấn thân vào công việc kinh doanh, can đảm có nghĩa là hành động bất chấp nỗi sợ hãi. Phần lớn các triệu phú $ đều là chủ doanh nghiệp. Nếu bây giờ không phải là thời điểm tốt nhất để bắt đầu thì là khi nào?
Cấp độ 1 Người tự làm chủ (Tự doanh)
Niềm tin của Người tự làm chủ
Thông thường người tự làm chủ sẽ bắt đầu với một công việc mình thành thạo hồi còn đi làm thuê.
Bạn bắt đầu với các niềm tin là : “Mình sẽ lập công ty riêng. Như vậy, không ai có thể sa thải mình.”, hoặc “Mình có thể làm tốt hơn ông chủ cũ.” “Làm sao chủ doanh nghiệp có thể hưởng toàn bộ lợi nhuận, trong khi mình là người làm tất cả mọi việc?”
Trong tâm trí bất kỳ ai khi quyết định khởi nghiệp, đó là: “Tôi sẽ là sếp…”
Thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực mà bạn là một chuyên gia thường là sai lầm đầu tiên và lớn nhất của phần lớn những người bắt đầu kinh doanh.
Bạn bắt đầu một doanh nghiệp mà ở đó bạn biết cách tạo ra SẢN PHẨM DỊCH VỤ, thay vì bắt đầu một doanh nghiệp mà ở đó họ biết CÁCH BÁN sản phẩm dịch vụ mà họ tạo ra.
Và đó là cái bẫy khi bước vào con đường kinh doanh tự chủ.
Nếu bạn giỏi làm công việc chuyên môn, thì gần như chắc chắn bạn sẽ mãi bị mắc kẹt trong công việc đó. Bạn luôn là người giỏi nhất, và nghĩ là không ai thay thế được bạn. Lúc này bạn phải đồng thời chịu đựng áp lực của cả người làm thuê và người làm chủ
Lý do để tự làm chủ
Lý do 1: Bạn sẽ phải tìm hiểu về CẤU TRÚC CÔNG TY (thành viên, cổ phần…) và cách thiết lập công ty với luật chơi của nó (điều lệ).
Lý do 2: Bạn học KẾ TOÁN, nắm giữ sổ sách và cách làm việc với kế toán viên.
Biết đọc báo cáo lãi lỗ, báo cáo dòng tiền, bảng cân đối kế toán, và lên kế hoạch ngân sách. Và hiểu không có số liệu vận hành và báo cáo tài chính như chơi thể thao không biết điểm số.
Lý do 3: Có lẽ hai điều quan trọng nhất mà bạn sẽ cần học ở Cấp độ 1, nếu bạn chưa có chúng ở Cấp độ 0, chính là MARKETING và BÁN HÀNG.
Marketing là khả năng tạo ra nguồn khách hàng tiềm năng với mức đầu tư hợp lý. Đối với những doanh nghiệp mới, không marketing thì bạn cũng không có đâu khách hàng tiềm năng để bán hàng.
Bán hàng là khả năng chuyển đổi khánh hàng tiềm năng thành khách hàng trung thành và tạo doanh số.
Việc trở thành người bán hàng tuyệt vời đòi hỏi bạn phải đọc sách, học hỏi và thực hành rất nhiều, thậm chí có thể mất nhiều năm, nhưng bạn không thể có doanh nghiệp thành công nếu không bán hàng giỏi.
Lý do 4: TỰ LÀM MỌI THỨ, bạn có cơ hội được học hỏi, phát triển một cách vui vẻ tự nguyện vì bạn đang tìm cách xây dựng một doanh nghiệp cho chính mình.
Lý do 5: Học cách CẮT GIẢM CHI PHÍ, bạn buộc phải tiết kiệm hết mức, tái chế, vay mượn, sử dụng lại đồ cũ và làm bất cứ điều gì cần thiết để cắt giảm chi phí.
Học cách kiểm soát về các khoản chi tiêu sẽ giúp bạn chuẩn bị cho đà phát triển ở quy mô lớn hơn.
Lý do 6: Tạo dựng sự KẾT NỐI. Khi mạng lưới các mối quan hệ của bạn càng lớn, bạn sẽ càng thấy việc kinh doanh dễ dàng hơn.
Lý do 7: học ý nghĩa của từ “TRÁCH NHIỆM”, đối với vị trí lãnh đạo, việc thấu hiểu những ý nghĩa đó càng trở nên quan trọng. Chỉ những người có niềm đam mê và khao khát có một cuộc sống độc lập, tự chủ với tinh thần trách nhiệm cao mới có thể thành công trong giới kinh doanh.
Lý do 8: KIẾM THÊM TIỀN.
Cùng năng lực, nếu tự làm chủ sẽ kiếm nhiều tiền hơn làm thuê, vì được khấu trừ thuế. Tự làm chủ trả thuế cho lợi nhuận, chứ không phải trên toàn bộ tiền lương. Việc trả thuế sẽ diễn ra cuối cùng sau khi hoạch toán lãi lỗ, chứ không phải ngay ban đầu như người đi làm thuê.
Lý do 9: quan tâm đến học về CÔNG NGHỆ.
Hành trình kinh doanh sẽ gian khổ hơn đối với những người không có kiến thức công nghệ.
Phát triển từ vị trí Tự làm chủ
Để phát triển, bước đầu tiên là xây dựng TẦM NHÌN, năng lực có hạn, doanh nghiệp không phát triển nếu có mỗi một mình bạn.
Việc bạn dự định là doanh nghiệp nhỏ, trung bình, hay to chính là thời điểm này. Doanh nghiệp không đi xa hơn tầm nhìn của bạn. Và bạn cũng không thu hút được đội nhóm tốt đến với mình nếu không có tầm nhìn. Tầm nhìn sẽ truyền cảm hứng và động lực cho bạn trên con đường xây dựng doanh nghiệp.
Bước tiếp theo bạn cần làm là thay đổi MỤC TIÊU của mình. Hãy đặt ra những mục tiêu lớn, đòi hỏi nhiều hơn và chuẩn bị sẵn sàng để đạt được nó. Khi bạn đặt ra những mục tiêu lớn so với thành tích hiện tại, chúng thách thức bạn suy nghĩ khác đi, làm mọi thứ khác đi, và bản thân chúng thực chất chính là quá trình phát triển.
Tiếp theo là xây dựng sơ đồ tổ chức của doanh nghiệp và mô tả các vị trí bạn dự kiến tuyển, khi nào tuyển. Qui trình hóa các công việc liên quan đến marketing, bán hàng và cung ứng sản phẩm dịch vụ. Hệ thống chỉ số đo lường hiệu quả KPI cho các công việc.
Tiếp theo là lúc để bạn lấp đầy các vị trí trong doanh nghiệp, bắt đầu với những vị trí mà hiện tại bạn đang dành phần lớn thời gian cho chúng: có thể là bán hàng và marketing, giao hàng, dịch vụ khách hàng, sản xuất …..
Cấp độ 1 là khởi đầu cho việc học của bạn, cho khả năng để có được mức thu nhập cao hơn, nhưng hãy nhớ rằng, thu nhập không phải là sự giàu có và sự giàu có không đồng nghĩa với việc có nhiều tiền. Vì vậy, chúng ta hãy đi lên nấc thang tiếp theo trên hành trình trở nên giàu có
Cấp độ 2 Người quản lý
Niềm tin của Người quản lý
Có 2 niềm tin sai lầm khiến bạn bị mắc kẹt ở nấc thang người quản lý mà không tiến lên được
Niềm tin 1: “Lớn hơn nghĩa là tốt hơn”
Phát triển ở một quy mô lớn hơn khi bạn đang điều hành một doanh nghiệp đòi hỏi sự có mặt của bạn mỗi ngày, là một ý nghĩ điên rồ. Nếu phục vụ 20 khách hàng/ngày đang vẫn khó khăn, bạn sẽ như thế nào khi con số đó là 200 khách hàng/ngày?
Niềm tin thứ hai – nhiều nhân viên hơn nghĩa là thành công hơn
Điều này có nghĩa là thay vì chuyển sang một giải pháp tốt hơn để điều hành doanh nghiệp, lại lựa chọn một giải pháp cũ kỹ, lỗi thời là “tuyển dụng nhiều người hơn”. Thật ra kinh doanh không liên quan gì đến số lượng nhân viên mà tất cả nằm ở việc bạn kiếm được bao nhiêu tiền.
Niềm tin 3 “nhiều doanh thu hơn nghĩa là thành công hơn”
Tổng doanh thu có thể dùng để xác định giá trị của một công ty, nhưng doanh thu không bao giờ có thể đánh giá được sự tăng trưởng chính xác như lợi nhuận. Lợi nhuận là yếu tố duy nhất quyết định sự thành bại của doanh nghiệp.
Niềm tin 4: “Không ai tốt bằng tôi.”
Tại sao? Không phải vì nhân viên không thể làm tốt như họ, mà bởi họ là một nhà lãnh đạo thực sự tệ, không biết đào tạo huấn luyện nhân sự.
Người quản lý thuê những người họ có thể kiểm soát, thay vì những người họ có thể lãnh đạo. Và họ có một niềm tin vững chắc rằng: “Nếu muốn công việc được thực hiện một cách đúng đắn, bạn phải tự mình làm điều đó.”
Yêu thích sức mạnh của việc kiểm soát nhiều hơn là niềm yêu thích đối với các khoản lợi nhuận, hơn là xem người khác thành công, hơn là nhìn thấy một nhiệm vụ được hoàn thành, và hơn cả việc về nhà sớm và tin tưởng người khác đang làm tốt vai trò của họ
Tất cả chỉ vì người quản lý muốn trở thành sếp và cảm thấy mình siêu quan trọng.
Niềm tin 5: “Tôi không thể có được những người đủ tốt.”
Theo Luật hấp dẫn, Lãnh đạo thu hút những người giống với họ. Khi bạn trở thành một nhà lãnh đạo đủ lớn, bạn sẽ thu hút những người tốt đến với mình. Bạn sẽ có những cộng sự tuyệt vời và họ sẽ điều hành công việc tuyệt vời cho bạn.
Mối quan hệ giữa Nhà Quản lý với tiền
Ở Cấp độ 2, vẫn là “tạo ra tiền”, và theo định nghĩa ta nhớ được đó là: “Xây dựng hoặc sản xuất bằng cách kết hợp các bộ phận hoặc đặt các vật liệu lại với nhau.”
Định nghĩa cho người quản lý là: “Một người điều khiển một doanh nghiệp.”
Với niềm tin đơn giản này, phần lớn người Quản Lý chỉ tạo dựng đủ dòng tiền để thanh toán lương và thường không thu được lợi nhuận thực sự xứng đáng.
Một niềm tin khác: “Tiền của công ty là tiền của tôi.” Thật không may, hầu hết những người Cấp độ 2 vẫn gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa tiền của chính họ và tiền của công ty.
Những điều Nhà Quản lý cần học để phát triển
Bạn cần học cách XÂY DỰNG ĐỘI NHÓM – một chủ đề rất phức tạp và có lẽ là khó nhất ở cấp độ này. Nhưng để phát triển, bạn sẽ cần một đội ngũ tuyệt vời có thể điều hành doanh nghiệp mà không cần bạn
Bạn phải học cách HỆ THỐNG HÓA, giúp vận hành doanh nghiệp. Các hệ thống sẽ giúp doanh nghiệp vào guồng, còn con người thì điều hành các hệ thống.
Tiếp theo, bạn sẽ phải học cách ỦY THÁC VÀ TIN TƯỞNG, để đội ngũ phát triển dần lên.
Tiếp theo đó là bài học về KIỂM SOÁT SỰ TĂNG TRƯỞNG, bao gồm: dòng tiền, nhà cung cấp và rất nhiều thứ khác
Học XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ với các nhà cung ứng.
Học cách PHÂN BỔ NGUỒN LỰC thông qua kinh nghiệm từ những sai lầm, hoặc thông qua nghiên cứu và đặt đúng câu hỏi cho những người giỏi nhất.
Hãy nhớ rằng, bạn quản lý tài nguyên và dẫn dắt con người.
Một trong những điều quan trọng hàng đầu bạn cần phải học đó là việc NHANH CHÓNG RA QUYẾT ĐỊNH. Và quyết định tốt hơn đến từ những câu hỏi tốt hơn.
Bạn cũng cần học về TRÁCH NHIỆM KẾT QUẢ. Đây là mức độ cao hơn của trách nhiệm. Trách nhiệm chỉ liên quan đến bản thân bạn, những kết quả và hành động của riêng bạn. Còn trách nhiệm kết quả liên quan đến hành động và kết quả của toàn bộ đội nhóm.
Phát triển từ vị trí Nhà Quản lý
Bạn không thể bước lên bậc tiếp theo nếu không học những thứ cần thiết ở Cấp độ 1 và 2. Lẽ ra bạn nên học mọi thứ có thể về hệ thống, xây dựng đội ngũ, lãnh đạo, nhân sự và tuyển dụng thay vì chạy đuổi theo sau nhân viên của mình.
Nếu muốn tránh cái bẫy này, rất cần một hệ thống tốt trong công ty. Các hệ thống cho phép các doanh nghiệp hoạt động trơn tru, chia sẻ khối lượng công việc theo kỹ năng và tài năng của tất cả các thành viên. Quan trọng hơn, hệ thống sẽ cho phép thực hiện nhiệm vụ quản lý một cách tổng thể và dễ dàng.
Cấp độ 2, bạn sẽ có cơ hội thiết lập nền tảng cho sự phát triển trong tương lai
Cấp độ 3 Chủ sở hữu/ Nhà lãnh đạo
Ở cấp độ này, bạn đã nhận ra việc đổi thời gian lấy tiền bạc không phải là công thức để làm giàu
Doanh nghiệp của bạn đã bắt đầu có lãi (Money). Bạn cũng sẽ có nhiều thời gian hơn so với trước đây – Bạn có hệ thống tốt để người khác có thể bắt tay vào công việc mà không cần đến sự có mặt của bạn (Time). Bạn đã xây dựng một đội nhóm và có thể bổ nhiệm một tổng giám đốc thay bạn điều hành (Team).
Là Chủ sở hữu/Nhà lãnh đạo, bạn sẽ có là việc nhận được thu nhập thụ động. Bạn đã đạt đến vị trí mà việc ngủ hay thức cũng không còn quan trọng. Bạn không phải là người trực tiếp vận hành, Doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động theo guồng mà không cần bạn phải ở đó
Bạn sẽ hoạt động ở tầm chiến lược và tập trung vào bức tranh vĩ mô. Trọng tâm của bạn không còn nằm ở dòng tiền (những người khác bây giờ đang làm điều này thay bạn), mà là về lợi nhuận. Câu hỏi mà bạn sẽ đặt ra thường xuyên nhất là: “Lợi nhuận đang đi về đâu?”
Mối quan hệ của Chủ sở hữu/Nhà lãnh đạo với tiền
“Chủ sở hữu” là “sở hữu; có tài sản”. Còn từ “người lãnh đạo” nghĩa là “Một người có khả năng dẫn dắt.
Là Chủ sở hữu/Nhà lãnh đạo, bạn không còn đánh đổi thời gian để kiếm thu nhập nữa. Bạn làm việc thông minh hơn, và trở nên giàu có hơn
Mức thu nhập của bạn không còn phản ánh lượng công sức bạn bỏ ra, hoặc số thời gian bạn dành để làm việc. Thay vào đó, thu nhập của bạn dựa vào mức lợi nhuận mà công ty tạo ra
Chủ sở hữu/Nhà lãnh đạo không kiếm tiền hay tạo ra tiền, họ NHẬN LỢI NHUẬN. Hãy để ý rằng: cả hai từ ‘’tạo ra” hoặc ‘’kiếm’’ ám chỉ việc tham gia trực tiếp vào hoạt động nào đó. Từ ‘’nhận’’ không có ý nghĩa như vậy.
Lý do trở thành Chủ sở hữu/Nhà lãnh đạo
Lý do thuyết phục nhất để trở thành Chủ sở hữu/Nhà lãnh đạo là dòng thu nhập thụ động nó mang lại. Nhưng để có được nó, bạn cần học cách tin tưởng, buông tay.
Một lý do hấp dẫn nữa là trở thành Chủ sở hữu/Nhà lãnh đạo là phong cách sống mới, thư giãn, chăm sóc sức khỏe của bản thân, và dành thời gian cho gia đình. Và có thời gian học cách đầu tư – đầu tư thực sự. Và bạn sẽ thấy bản thân bắt đầu tìm kiếm những thử thách mới.
Phát triển lên từ Chủ sở hữu/Nhà lãnh đạo lên cấp độ cao hơn
Điều đầu tiên bạn làm ở Cấp độ 3 là kêu gọi VỐN. Bạn cần tích lũy đủ vốn để đầu tư vào các doanh nghiệp khác.
Tìm kiếm những CƠ HỘI mới sẽ là một loại thử thách mới, khiến bạn thích thú. Bạn có thể tìm các doanh nghiệp đang rao bán rồi tìm các ‘ngựa chiến’’ – những người mà cùng với họ, bạn sẽ xây dựng lại công ty với công thức Mua – Xây – Bán (Buy – Build – Sell)
Bạn phát triển lên nấc thang cao hơn vì Niềm vui càng lớn. Bạn cũng sẽ không phải làm việc vất vả, mà chỉ đang chơi để đạt được phần thưởng lớn hơn. Và bạn sẽ sẵn sàng trên con đường trở nên giàu có.
Cấp độ 4 Nhà đầu tư
Cấp độ 4 là về đầu tư, khiến tiền làm việc cho mình để tạo ra sự giàu có.
Là một Nhà đầu tư, bạn phải kiếm tiền bằng cách BÁN CÁC CÔNG TY, chứ không phải điều hành chúng. Nói tóm lại, bạn đạt được điều này bằng cách mua các doanh nghiệp, xây dựng chúng, và bán chúng với mức giá cao cho người khác.
Mua khi giá ở mức thấp, kiến tạo và xây dựng kèm thiết lập lại doanh nghiệp, và sau đó bán nó ở giá cao. Sau đó sử dụng số tiền thu được từ việc giao dịch, hoặc một phần số tiền đó, để mua bất động sản và cổ phiếu hay các tài sản sinh giá trị khác.
Mối quan hệ của Nhà đầu tư với tiền
Ở Cấp độ 4, bạn cần học cách để tái đầu tư nguồn thu nhập tự động của mình. Các nhà đầu tư gọi số tiền lãi từ việc đầu tư là lợi tức. Các nhà đầu tư chỉ nghĩ về lợi tức. Mọi thứ đều xoay quanh vốn, và mức lợi tức bạn có thể thu được từ việc đầu tư số vốn đó
Bạn không phải làm việc. “Làm việc” ở đây ám chỉ hoạch định chiến lược. Bạn sẽ lên kế hoạch, chỉ đạo, thực hiện những công việc cần suy nghĩ. Nhóm của bạn sẽ hiện thực hóa nó cho bạn.
Đây là lý do tại sao việc tập trung xây dựng đội nhóm và chọn được người điều hành công ty giỏi rất quan trọng ở Cấp độ 2, Nhà quản lý. Bạn sẽ có nhiều thời gian tập trung vào việc mua và bán các doanh nghiệp, lựa chọn các chiến lược đúng đắn để đạt được những mục tiêu và nhu cầu cá nhân.
Các lý do để trở thành Nhà đầu tư
Mục tiêu của trò chơi ở cấp độ này là lấy lại thời gian để bạn có thể thật sự chơi trò chơi của cải. Các mục tiêu 15% lợi tức là quá nhỏ bé, hãy nhắm tới lợi tức 200%.
Để phát triển, đầu tiên Nhà đầu tư cần học và thuần thục những điều cơ bản sau:
Thứ tự đầu tiên cần quan tâm là DOANH NGHIỆP, học cách đầu tư vào các doanh nghiệp và mua với giá sỉ. Không có gì đem lại lợi tức tốt hơn việc mua toàn bộ doanh nghiệp, xây dựng và sau đó bán nó.
Học yếu tố gì quyết định giá trị của một doanh nghiệp? Doanh thu và lợi nhuận.
Ta không phải trả thuế cho lượng vốn khổng lồ tích lũy được khi bán doanh nghiệp. Công ty thì có tính thanh khoản thấp, đồng thời là một khoản đầu tư dễ dàng. Chính vì vậy, là một nhà đầu tư Cấp độ 4, bạn cần phải học về nó trước tiên.
BẤT ĐỘNG SẢN. Tài sản xếp thứ hai vì giá trị của nó thay đổi với biên độ chậm. Và nếu không phải là phát triển bất động sản, thì bản thân bất động sản không gia tăng giá trị cho xã hội.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN. Để thành công, bạn cần trở thành một nhà đầu tư lão luyện. Thị trường chứng khoán là môi trường đầu tư phức tạp nhất nên được xếp hạng thứ 3
3 cách đầu tư:
- Mua xây bán
- Mua cải tạo bán
- Phát triển lên từ chủ đầu tư
Cấp độ 5 Doanh nhân
Cấp độ cuối cùng này là đỉnh cao. Cấp độ này là nơi các nhà tư bản thực sự hoạt động. Ở cấp độ này, bạn kiếm tiền bằng cách gọi vốn. Bạn sử dụng tiền của người khác để xây dựng các tài sản giấy như cổ phiếu, quyền sở hữu, nhượng quyền thương mại, giấy phép và tiền bản quyền
Các Doanh nhân thực thụ kiếm tiền bằng cách huy động vốn, hay nói cách khác, bằng cách sử dụng tiền của người khác để tạo ra tiền.
Doanh nhân thực sự xây dựng doanh nghiệp để đưa chúng niêm yết trên sàn chứng khoán. Điều này cho phép qua một đêm, họ có khối lượng tài sản khổng lồ.
Ở cấp độ này, bạn sẽ bán thay vì mua. Cấp độ 4 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mua, xây dựng và bán. Ở Cấp độ 5, tên trò chơi là bán. Bán ở một cấp độ khác. Bạn sẽ bán nhượng quyền hoặc cổ phần của các công ty chứ không phải bán các công ty trong các giao dịch một lần. Càng bán tài sản càng tăng, càng có nhiều tiền.
Bạn sẽ bán các khoản đầu tư mình đã tạo ra. Chúng có thể chỉ là tải sản trên giấy đối với bạn, nhưng đối với người khác, chúng là những khoản đầu tư đáng kể
Doanh nhân thực thụ có thu nhập thụ động và tài sản hữu hình. Họ giàu có. Nhưng sự giàu có ở cấp độ này có được là nhờ thông qua việc sở hữu các TÀI SẢN GIẤY.
Mối quan hệ của Doanh nhân với tiền
Doanh nhân không phải làm việc vì tiền. Họ chắc chắn không đổi thời gian lấy tiền, và không phải phụ thuộc vào lợi nhuận như nguồn thu nhập chính. Họ kiếm tiền bằng cách tăng vốn. Họ kiếm tiền bằng cách gia tăng giá trị.
Doanh nhân là không sở hữu cái gì, nhưng kiểm soát mọi thứ. Ví dụ nếu bạn chọn con đường nhượng quyền. Và thiết lập tất cả hệ thống và quy trình để doanh nghiệp phát triển thành công. Sau đó, bán nó trên thị trường, hàng trăm lần. Hãy nhìn vào lợi nhuận, giờ bạn có hàng trăm chủ
sở hữu mới trong doanh nghiệp mình. Bạn không sở hữu cái gì, nhưng kiểm soát tất cả
Những lý do để trở thành một Doanh nhân
Có rất nhiều lý do tốt để trở thành một Doanh nhân. Có một thực tế là số tiền bạn kiếm được càng nhiều, số tiền bạn phải trả càng ít.
Doanh nhân có sức ảnh hưởng, điều đó không thể phủ nhận. Và sức ảnh hưởng mang đến những lợi thế khác nhau như thông tin và cơ hội (cả cho kinh doanh và cá nhân).
Lúc này bạn nhận ra kinh doanh chỉ là một trò chơi, và bắt đầu cho đi, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, cho xã hội.
Câu hỏi đặt ra cho bạn là:
1. Bạn đang ở đâu trong nấc thang doanh nhân?
2. Bạn thực sự muốn lên nấc thang nào trong 5 năm tới?
_____
Nếu bạn thực sự muốn đến nấc thang Chủ sở hữu/Lãnh đạo, hãy tư duy có một người Coach đồng hành để đạt cấp độ này nhanh hơn.
Coach Thu Ngô
Nguồn: sách Tư duy tỷ phú (Billionaire in Training), Brad Sugars