Tôi đã từng trải qua khủng hoảng tài chính 2008, khi mà hàng loạt định chế tài chính lớn top đầu của thế giới rụng lả tả (Bear Stearns, Lehmon Brothers , Merrill Lynch, Washington Mutual, Wachovia….), hàng đoàn người xếp hàng dài rút tiền mặt, công ty cũng rút tiền, cá nhân cũng rút tiền… vì sợ bank phá sản.
Dòng người xếp hàng chờ rút tiền mặt trong kỳ khủng hoảng tài chính 2008
Vậy nên hiểu được phần nào, trong thời kỳ khủng hoảng, thì lợi nhuận vẫn ưu tiên số 2… sau DÒNG TIỀN. Nhiều doanh nghiệp phá sản không phải là không có lợi nhuận, mà là bị đứt gãy dòng tiền, vì nhiều lý do.
____
Một ví dụ để hình dung như thế này, năm 2019 doanh thu từ du lịch quốc tế là 726.000 tỷ (một con số lớn). Và doanh số đó khi đi vào nền kinh tế sẽ nhân tiền lên gấp nhiều lần. Và năm nay đột ngột số tiền đó rút ra khỏi nền kinh tế. Các doanh nghiệp liên quan mật thiết đến bao gồm Hàng không, du lịch, lữ hành, phòng vé, vận tải hành khách, nhà hàng, khách sạn, quà tặng…. bị ảnh hưởng trực tiếp. Nhưng con số ảnh hưởng gián tiếp từ vòng quay nhân tiền cũng rất nhiều.
Hậu quả là gì? Doanh nghiệp A khó khăn dòng tiền có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp B và n doanh nghiệp khác.
Khó khăn dòng tiền có thể lây lan giữa các doanh nghiệp vì hiệu ứng domino
Vậy trong khủng hoảng thì doanh nghiệp cần chú ý điều gì? và sẽ làm gì để cải thiện dòng tiền? Dưới đây là một số chiến lược có thể áp dụng ngay cho doanh nghiệp:
Các khoản thu
- Tăng cường thu hồi nợ,
- Điều chỉnh chính sách bán, tăng ưu đãi chiết khấu để khuyến khích các khoản thanh toán trả trước
Các khoản chi
- Chuyển chi phí cố định thành chi phí biến đổi, ví dụ các khoản chi phí lương có thể chia làm 2 phần là (i) lương cố định, (ii) lương năng suất theo kết quả kinh doanh.
- Đàm phán để có chính sách tín dụng ưu đãi hơn từ các nhà cung cấp
- Doanh thu bù đắp chi phí biến đổi: trong dài hạn thì kinh doanh phải có lợi nhuận ròng, tức là bù đắp được chi phí cố định + chi phí biến đổi. Tuy nhiên trong ngắn hạn khi công suất của DN chưa tối ưu, đằng nào cũng phải trả chi phí cố định. Thì DN có thể chấp nhận bán sản phẩm dịch vụ bù đắp được chi phí biến đổi để có dòng tiền. Tất nhiên là điều này chỉ áp dụng trong ngắn hạn.
- Tồn kho: tập trung vào quản lý hàng và nguyên vật liệu tồn kho – có thể cần thêm nguyên vật liệu do gián đoạn chuỗi cung ứng, nhưng cũng không nên để quá nhiều vốn bị giữ tại đây.
Liên tục xem xét, điều chỉnh chiến lược
- Thị trường thay đổi mạnh mẽ, với thói quen mới, nhu cầu mới, doanh nghiệp cần xem lại các định hướng chiến lược về thị trường, sản phẩm mới, kênh bán (ví dụ tăng cường kênh trực tuyến, giảm bớt kênh offline..), dịch vụ….
- Quản trị rủi ro chuỗi cung ứng, tìm kiếm các phương án thay thế chuỗi cung ứng từ nước ngoài, chuyển về Việt Nam
Nguồn vốn
- Giảm hoặc hoãn chi trả cổ tức, tăng huy động vốn góp của chủ sở hữu, phát hành thêm cổ phiếu.
- Bán và thuê lại: doanh nghiệp có thể bán tài sản rồi thuê lại, vẫn đảm bảo hạ tầng để kinh doanh, nhưng có thêm dòng tiền. Rất nhiều hãng lớn dùng công cụ này.
- Xem lại kế hoạch đầu tư vốn và những ưu tiên đầu tư để có thể cắt giảm các khoản đầu tư khi cần thiết.
- Sẵn sàng các nguồn tài chính ngắn hạn từ ngân hàng: tính toán và dự báo trước các lượng tiền mặt dự trữ, và lên kế hoạch vay ngân hàng càng sớm càng tốt. Các Ngân hàng sẽ nhanh chóng hết hạn mức cho vay, nên doanh nghiệp cần sớm thu xếp nguồn vốn vay.
Xem các bài viết liên quan
Quản lý dòng tiền là gì? Những kiến thức cơ bản về quản lý dòng tiền trong kinh doanh